LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy tiền thân là Trạm nghiên cứu cây có sợi được thành lập tháng 10/1973 trực thuộc Ban xây dựng khu nguyên liệu giấy sợi trong chương trình hợp tác Việt Nam - Thuỵ Điển về xây dựng Nhà máy giấy Bãi Bằng.
Từ năm 1974 - 1983: Nghiên cứu, thử nghiệm cây có sợi dài với 4 loài, xuất xứ thông nhập nội trên 4 dạng lập địa trong vùng phát triển lâm nghiệp (FDA). Nghiên cứu các lĩnh vực ảnh hưởng tới sinh trưởng rừng trồng: Khí hậu thuỷ văn, sâu bệnh, diễn biến độ phì của đất, thu thập số liệu tăng trưởng hàng năm, sinh lý cây rừng. Nghiên cứu kỹ thuật vườn ươm trên nền cứng, lần đầu tiên áp dụng túi nilon làm vỏ bầu, nghiên cứu hỗn hợp ruột bầu… Trong giai đoạn này, Trạm đã chuyển giao kỹ thuật tạo giống cây con bằng bầu nilon trên nền cứng cho nhiều tỉnh trên phạm vi cả nước góp phần không nhỏ vào chất lượng cây giống nâng cao chất lượng rừng trồng từ đó đến nay.
Từ năm 1984 - 1996: Trạm được đổi tên thành Trung tâm nghiên cứu phát triển kỹ thuật lâm nghiệp tên giao dịch quốc tế Forest Reseach Centre (FRC) với các nội dung hoạt động đa dạng và phong phú hơn: Nghiên cứu các loài, xuất xứ Bạch đàn và Keo nhập nội; Nghiên cứu về Lâm nghiệp xã hội, điều tra cơ bản về kinh tế xã hội trong vùng, trồng rừng bảo vệ đất, lâm sinh xã hội môi trường, điều tra tuyển chọn cây trội, khảo nghiệm các dòng ưu trội, tuyển chọn rừng giống… Đặt các cụm thí nghiệm tổng hợp trên các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Hợp tác với các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan chuyên ngành của Nhà nước và nhiều chuyên gia khoa học nước ngoài trong chương trình để thực hiện các nghiên cứu trên. Từ năm 1994, Trung tâm nhận hợp đồng chuyển giao dây truyền nhân giống nuôi cấy mô tế bào với Viện nghiên cứu lâm nghiệp Quảng Tây - Trung Quốc, từ năm 1995 cây mầm mô Bạch đàn đã xuất xưởng và được trồng thử tại vùng Trung tâm, kết quả tốt hơn nhiều so với rừng trồng từ hạt.
Từ năm 1996 đến nay, Trung tâm được đổi tên thành Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy thuộc Tổng Công ty giấy Việt Nam. Nhiệm vụ quan trong của Viện là định hướng chiến lược phát triển dài hạn trong từng giai đoạn: 2000 - 2010; giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu cải tạo giống cây nguyên liệu giấy đáp ứng nhu cầu sản xuất giấy trong nước, chuyển giao công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô - hom cho các cơ sở sản xuất.
I. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG.
1. Nghiên cứu cải tạo giống:
Từ năm 1998 đến nay, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã nghiên cứu tuyển chọn và khảo nghiệm được nhiều dòng cây nguyên liệu giấy phục vụ trồng rừng (đã được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật và giống quốc gia):
- Bạch đàn: PN2, PN14, PN3d, PN10, PN14, PN21, PN24, PN46, PN47, PN54, PN108, PN116, PNCT3, PNCTIV, PNCT4.
- Keo lai: KL2, KL20, KLTA3.
- Keo hạt: xuất xứ SW.Cains và Bloomfield.
Tiếp tục triển khai chọn và dẫn giống, lai giống để tìm ra những giống mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt nhằm bổ xung nguồn giống cho quốc gia phục vụ cho sự nghiệp phát triển trồng rừng công nghiệp năng suất cao.
2. Nghiên cứu giâm hom, nuôi cấy mô tế bào:
Hàng năm Viện liên tục duy trì thu thập bảo tồn nguồn gen cây nguyên liệu giấy, nhằm mục đích cung cấp nguồn giống cho nghiên cứu và sản xuất.
3. Nghiên cứu Lâm nghiệp xã hội, phát triển lâm nghiệp cộng đồng:
Triển khai các nghiên cứu về: Mật độ trồng rừng, Làm đất, Phân bón, Trồng rừng hỗn giao… Từ đó đã xây dựng được các quy trình trồng rừng thâm canh áp dụng cho các vùng trồng rừng nguyên liệu giấy.
Nghiên cứu thành công các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong sản xuất cây giống chất lượng cao theo quy mô công nghiệp với giá thành hợp lý được các cơ sở sản xuất chấp nhận.
4. Sản xuất, ứng dụng:
Tổ chức sản xuất tại chỗ 4 - 5 triệu cây con bằng mô, hom (bạch đàn, keo lai, keo hạt) đủ tiêu chuẩn xuất vườn cho các tổ chức, cá nhân SXKD trồng rừng nguyên liệu giấy.
Hợp tác tư vấn cho các cá nhân, tổ chức sản xuất cây giống trong vùng và cả nước trong sản xuất cây con chất lượng cao từ 1-1,5 triệu cây.
Hàng năm trồng từ 40-50 ha rừng trồng sản xuất theo hình thức thâm canh cao với năng suất sản lượng đạt 15-20 m3/ha/năm.
Khai thác gỗ nguyên liệu giấy mỗi năm từ 4.000 - 5.000 m3 phục vụ cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy.
5. Hợp tác quốc tế.
Từ năm 2003, Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy đã hợp tác với Trường đại học QUEENSLAND - AUSTRALIA thực hiện Dự án FST/2000/003 của tổ chức Aciar (Australia) hỗ trợ triển khai chương trình “Trồng rừng hỗn giao các loài cây gỗ có giá trị kinh tế cao nhằm thúc đẩy các dịch vụ cộng đồng ở Việt Nam”.
Phối hợp thực hiện dự án Card 032/05 VIE của Australia về xây dựng vườn vật liệu giống sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom đối với loài thông lai.
II. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN.
1. Nhiên cứu ứng dụng.
Giai đoạn 2010 – 2020 đưa tỷ lệ giống được cải thiện lên hơn 50%, tập trung thích đáng cho chọn tạo giống một số loài cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ, áp dụng rộng dãi công nghệ sinh học vào chọn tạo giống và phương pháp hiện đại trong nhân giống và bảo quản hạt giống. Cuối giai đoạn đạt năng suất rừng trồng bình quân 30m3/ha/năm đối với gỗ nhỏ và 15 m3/ha/năm đối với gỗ lớn.
2. Sản xuất và dịch vụ.
- Sản xuất:
- Tăng công xuất nhà nuôi cây mô tế bào, với quy mô sản xuất từ 4-5 triệu cây mầm / năm.
- Đẩy mạnh việc mở rộng vườn ươm theo hướng quy mô công nghiệp để sản xuất cây con có chất lượng cao. Dự tính mỗi năm sản xuất từ 5 - 7 triệu cây con tiêu chuẩn.
- Khuyến khích các đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong sản xuất, nhằm tạo nhanh sản phẩm đem lại lợi ích kinh tế, khoa học
- Đẩy mạnh công tác chuyển giao KHCN, đào tạo cho các tổ chức có nhu cầu về sản xuất giống, trồng rừng năng suất cao.
- Tăng cường công tác quảng bá sản phẩm của đơn vị củng cố uy tín khách hàng truyền thống và người dân.
- Thành lập các cơ sở sản xuất cây con trên một số điểm trong nước nhằm mở rộng khách hàng và hạ giá thành sản phẩm tiến tới chiếm lĩnh thị trường.